google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Chùa Dầu

Văn Hóa

[ad_1]

NSGN – Chùa Dầu, tên chữ là Linh Nha tự, tọa lạc tại trung tâm xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Theo ngọc phả ở chùa và gia phả các dòng họ Phạm, họ Trịnh, chùa Dầu có từ thời nhà Lý, do hai xã Hương Du và Phương Du xây dựng. Đến thời nhà Trần được công chúa Trần Huyền Tư và hoàng tử Ngự Câu Vương trùng tu, mở mang xây dựng lại. Câu đối ở cửa giữa Tam quan của chùa Dầu đã ghi nhận điều đó:


Lý triều nhi khởi, Trần triều nhi hưng vạn cổ danh lam
Thiên trụ dĩ duy, địa trục dĩ lập, thiên niên thắng tích.

Tạm dịch là:

Nhà Lý dựng lên, nhà Trần hưng thịnh, muôn thủa chùa này
Cột trời đã vững, trục đất đã bền, ngàn thu cảnh ấy.

Theo Nam sử tiền biênThái Vi ngọc phả, khi quân Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2 (1285), trước sức mạnh như chẻ tre của giặc, vua Trần Thánh Tông đã cho triều đình và ba quân tướng sĩ rút về xây dựng căn cứ địa Trường Yên ở Ninh Bình để chống giặc cứu nước. Hoàng tử Ngự Câu Vương vâng lệnh vua cha đem quân về trấn giữ khu Mả Lăng (nay thuộc khu vực chùa Dầu, xã Khánh Hòa). Đây là vùng duyên hải, phía Nam căn cứ địa Trường Yên khoảng 10km theo đường chim bay. Hoàng tử đã cho xây dựng đồn lũy khá kiên cố ở đây. Một năm sau cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285), công chúa Huyền Tư về đây thăm em ruột là hoàng tử Ngự Câu Vương và ủy lạo quân sĩ, thấy phong cảnh chùa Dầu đẹp, công chúa đã xin vua cha về quy y tại chùa. Cùng đi với công chúa còn có hai ông Thái học sinh là Tống Văn Triều (Chiêu), tự Huệ Nhan và Tạ Như Thủy, tự Phúc Độ, một cung phi là Nguyễn Thị Tú, một viên nội các coi vườn ngự uyển, giữ chức Thái giám và bà nhũ mẫu Phạm Thị Vinh. Văn bia ở chùa Dầu lập năm Nhâm Ngọ, Diên Thành thứ 5 (1582), đời vua Mạc Mậu Hợp (1562-1592), ghi rõ: “Người tích thiện, tất có thừa điều tốt: vì điều đó (nên) các xã Phương Du, Hương Du, huyện Yên Ninh, phủ Trường An mới có chùa Linh Nha. Bậc tôn linh đời Trần là Vương Ngự Câu, công chúa Huyền Tư cùng Tống Văn Triều, tự là Huệ Nhân xuất gia tu hành. Tạ Như Thủy, tự là Phúc Độ, Nguyễn Thị Tú cùng thiện nam tín nữ đều mang gia tài, thi hành điều tín, kiến thiết chùa”1. Vua Trần Thánh Tông cấp cho công chúa 173 mẫu ruộng làm tư điền hương hỏa cho chùa. Bà tiến hành xây dựng, mở mang chùa Dầu khang trang, to đẹp hơn và cho xây dựng con đường vào chùa theo hình con rồng uốn khúc, làm thành đường cái quan của tổng Yên Vệ. Từ đó, chùa Dầu trở thành nổi tiếng khắp vùng. Tăng Ni, Phật tử khắp cả nước đều đến lễ Phật ở chùa Dầu. Họ đến không chỉ để lễ Phật, mà còn để được gặp gỡ, thăm hỏi công chúa và hoàng tử.

Chùa Dầu được xây dựng trên khu đất cao, quay hướng chếch Tây nam. Chùa xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc (國), tiền Phật hậu Thần (phía ngoài thờ Phật, phía trong thờ Thần).

Qua Tam quan vào một sân nhỏ lát gạch là tới nhà bái đường (tiền tế) 7 gian, kèo cột được xây dựng, cấu trúc bằng gỗ lim vững chắc, hai đầu đốc xây vít kín. Hàng cột gỗ lim to, thẳng đứng chạy suốt nhà tiền tế theo hướng Bắc-Nam. Đó là trụ cột để nâng đỡ hàng xà ngang chất liệu cũng bằng gỗ lim, là nền đỡ toàn bộ hai mái bái đường. Hàng cột con ở phía ngoài bái đường là những mảng đỡ của xà ngang, hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim cũng tôn thêm cho bái đường 7 gian vững chắc, kín đáo nhưng lại thoáng rộng.

Hệ thống kèo cột, xà bẩy được chế tác, chạm khắc tuy đơn giản nhưng vững chắc. Ở gian chính giữa có hai vì xà ngang chạy suốt từ ngoài cửa vào trong. Trên xà là hệ thống ván bưng, được chạm khắc khá tinh vi và đẹp, mang màu sắc của chốn cửa thiền. Để đội nóc, thượng lương chính giữa là hai mê hai bên chầu lại, với hai hiệp thợ, nghệ thuật chạm khắc có khác nhau nhưng lại cùng chung một quy cách tạo hình.

Chính giữa mê đội thượng lương, chạm một mặt rồng ngang, đôi chân vững chắc với cặp mắt uy nghiêm, hàm răng to, trắng chầu vào nhau, hai bên hai con lân kiêu hãnh chầu vào phía chính giữa mê, hai bên kiểu nhị lân chầu long điện (hai con lân chầu vào con rồng chính giữa). Hai bên cánh mê đội thượng lương chạm hình một con rồng đang vươn mình tung trên sóng trên một con phượng hàm thư, bên phải chạm hình con long mã phụ đề, bên trái chạm hình con rùa núp dưới tán lá sen đang tắm mình trên sóng. Họa tiết trang trí, chạm khắc trên đôi mê đội thượng lương ở chùa Dầu theo mô típ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng mà câu châm ngôn đã nói:


“Bạn vàng lại gặp bạn vàng
Long, Ly, Quy, Phượng một đoàn tứ linh”.

Tứ linh là bốn con vật đại diện cho cả loài cầm và thú tung mây thét gió có, bay liệng bốn phương trời có, đi xa nghìn dặm có, du dạo khắp nơi sơn xuyên hải đảo có. Đó là biểu tượng của đất Phật, có mặt ở khắp cõi thế gian này. Phật Tổ chính quả, lòng thành với tấm lòng chí tâm khẩu đảo.

Qua bái đường là hệ thống máng nước nối liền bái đường với Tam bảo.

Trung đường (Tam bảo) gồm hai gian xây vít kín hai mặt Bắc – Nam. Xà, rui, mè, ngói là những chất liệu cổ còn được lưu giữ. Vì bề ngang hẹp nên không có một hàng cột nào nâng đỡ mà các đầu xà được gối vào tường. Đây là nơi thờ Phật. Trước cửa Tam bảo có 3 chữ đại tự “Phật Pháp Tăng”, trên tường phía sau là 3 chữ “ Linh Nha Tự”. Tường bên trái Tam bảo dựng hai bia, trong đó bia Diên Thành năm thứ 5 (1582) nói về việc trùng tu xưa nhất khu chùa Dầu. Tường bên phải Tam bảo dựng 3 bia dưới thời Nguyễn, nói về việc cúng tiến, tu sửa chùa Phật.

Qua Tam bảo là vào tới nội cung. Ở chính giữa nội cung là bệ sen đá được đặt dựng ngay ngắn, vững chắc, nền móng bệ sen được gia cố cẩn thận. Vì vậy đã 700 năm với bao biến cố của lịch sử và thời gian, với khối lượng đá nặng tới 9, 10 tấn mà chính bệ sen đá vẫn không bị xiêu vẹo, sụt lún. Mái đỡ của nội cung xây vòm cuốn, không có kèo cột, xà ngang nhưng vững chắc. Nội cung gồm 3 gian chạy dọc theo hướng Bắc-Nam song song với 7 gian bái đường, ba mặt phải, trái, phía sau xây bịt kín, không có lối ra vào.

Đằng sau, bên ngoài nội cung, nhân dân xã Khánh Hòa vừa tu sửa, xây dựng xong 7 gian hậu cung song song với 7 gian bái đường. Kiến trúc hậu cung đều mang đậm yếu tố kiến trúc thời Nguyễn là chính, từ kèo, cột, xà bẩy đến mái lợp phía trên, trên đỉnh nóc hậu cung đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt” như bao chùa khác.

Phía ngoài tường bao xây bằng gạch, bên trái hậu cung là dãy mộ của các vị Hòa thượng về trụ trì và tịch ở chùa Dầu.

Một tổng thể chùa Dầu, như dân địa phương vẫn gọi, có cả kiến trúc chùa thờ Phật, đình thờ Thần. Đó là nét đặc biệt của di tích chùa Dầu xã Khánh Hòa. Để ghi nhớ công ơn Đức Ông Hoàng, Bà Chúa là những người có công xây dựng chùa Dầu từ buổi đầu hoang sơ, có đôi câu đối:


“Trần gia sáng lập tự đường, Thiên tải lưu truyền ân thánh đức
Nam Quốc danh lam thắng tích ức niên hương hỏa hiển thần công”.
(Nhà Trần đến mở mang, xây dựng chùa nghìn năm ghi nhớ công ơn Thánh đức.
Nghìn năm dân vẫn ghi nhớ công ơn của các vị công thần sáng lập, ra nơi thắng tích nước Nam ta).

Cho đến nay, chùa Dầu đã trải qua 17 lần trùng tu, tôn tạo. Theo bia lập năm Diên Thành 5 (1582), thời vua Mạc Mậu Hợp (1562-1592), có các ông An Thọ bá Phan Trì, Trường Thọ bá Lê Văn Uyên, Phúc Khê bá Đinh Sĩ Nho, Trúc Sơn bá Phan Như Tùng, An Lộc bá Lê Viết Phú người xã Hương Du và các ông An Thọ bá Phạm Giao, Liên Thọ bá Đỗ Văn Tài người xã Phương Du, cùng thiện nam tín nữ, đóng góp tiền của tô 12 pho tượng Phật cho chùa. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), dân làng làm mới pho tượng Phật Thích Ca, quy cách, cùng gỗ, sơn son thếp vàng, trang nghiêm trong tòa Cửu Long; sơn son thếp vàng 12 pho tượng, xây lại Hàn Lâm viện. Năm Duy Tân thứ 8 (1909), dân hai làng Phương Du và Hương Du tiến hành trùng tu, sửa chữa lại chùa bằng gỗ, thay nếp nhà tre từ thời Diên Thành (1582), nay đã bị hư hỏng. Năm Khải Định thứ 2 (1917), ba giáp trong xã Phương Du, sửa lại tòa thiêu hương vốn trước đây thường lợp rạ không thể bền lâu. Đến năm Khải Định thứ 4 (1919), tiến hành trùng tu hai tòa, tượng Phật Long cung, Thánh hiền và Quan long.

Chùa Dầu là khu di tích tương đối lớn, hiện giữ lại được một số di vật quý của thời Trần, Hậu Lê như bệ đá hoa sen, bia Diên Thành, còn đại đa số là mang yếu tố kiến trúc thời Nguyễn gần đây. Đây cũng là một di tích, một thắng tích cần được bảo vệ, tu sửa, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của di tích cho các thế hệ mai sau.

Nguyễn Đại Đồng

_________________

(1) Văn bia: Trùng tu bi ký, Ngày 22 tháng 11 năm Diên Thành thứ 5 (1582), đời vua Mạc Mậu Hợp, hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử chùa Dầu, lưu trữ tại Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử chùa Dầu, lưu trữ tại Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình.
2- Nguyễn Đại Đồng – Nguyễn Hồng Dương – Nguyễn Phú Lợi, Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb.Tôn Giáo, 2017.

[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest