[ad_1]
GN Xuân – Sớm mai, những tia nắng mềm cuối thu tràn qua ô cửa. Tôi kéo nhẹ rèm, ngồi xuống tọa cụ bắt đầu bài tập thở. Những ngày sức khỏe rất kém, tôi vẫn duy trì việc ngồi đó mỗi buổi sáng, quán sát hơi thở, dùng tâm trí đưa hơi thở đến xoa dịu vùng đang bị đau. Liệu pháp này giúp tôi đã phần nào thỏa hiệp được với căn bệnh của mình. Tiếng chim hót ríu rít ngoài vườn…
Ai mà chẳng mang một căn bệnh nào đó trong người. Cơ thể này thực chất đâu phải của ta. Nó có một cơ chế đặc biệt và khó hiểu không ai có thể tiên đoán được. Ngay cả những người có chế độ ăn uống và luyện tập kỹ lưỡng, sống lành mạnh thì cũng đến lúc bệnh. Thầy thuốc có giỏi bao nhiêu cũng không hiểu hết được cơ thể này vận hành ra sao.
Năm ngoái, tôi được một bác sĩ Mỹ chẩn đoán bệnh và kê toa. Tôi dùng thuốc của bà ấy cho một thời gian dài nhưng bệnh cứ chập chờn, không dứt điểm. Là người hay để ý đến các phản ứng và thay đổi của cơ thể một cách chi tiết, tôi phát hiện ra mình chỉ khỏe khi dùng một nhóm thực phẩm nhất định, đồng thời dị ứng với một số nhóm thực phẩm khác. Thế là tôi thử ăn theo quan sát của mình trong một thời gian dài, thật kỳ diệu, tôi thấy mình khỏe hẳn. Tôi còn thường xuyên tập yoga và thở, tập trung vào các bài tập dành cho vùng bị đau. Các triệu chứng khó chịu dần dần giảm đi nhiều. Cho đến một ngày, sau một buổi tối vui vẻ ăn uống nhiều cùng bạn bè, tôi trở bệnh nặng, dù không hề có dấu hiệu gì báo trước.
Tôi đi gặp bác sĩ, và bà ấy lại cho loại thuốc trước đây. Tôi nói với bà ấy là loại thuốc này không hiệu lực với tôi, nhưng bà ta cứ khám qua loa rồi cứ “y án” thuốc cũ với vài giải thích đại khái chung chung. Tôi ra về trong thất vọng, cảm thấy đã đến lúc phải tự chữa bệnh cho mình. Tôi bỏ không dùng thuốc. Tôi bắt đầu ghi lại một cách chi tiết các triệu chứng xảy ra đối với cơ thể. Tôi lùng sục thông tin trên internet. Sau nhiều ngày, tôi tìm được một từ khóa, chính xác hơn là một thuật ngữ y khoa diễn tả một căn bệnh, mà nó đúng gần 95% với triệu chứng mà tôi đang có. Tôi cẩn thận in ra tài liệu, rồi quay lại gặp bác sĩ của mình. Bà ấy đọc xong, gật gù rồi chuyển tôi lên “tuyến trên”, tức là đến bác sĩ chuyên khoa (specialist). Mặc dù bà ấy tỏ ra lịch sự nhiệt tình, nhưng tôi vẫn thấy được sự thờ ơ cố hữu của những người làm nghề y khoa. Có lẽ họ tiếp xúc với quá nhiều bệnh tật, nên họ không còn cảm thấy bệnh của một cá nhân là quan trọng. Cũng có thể điều này là suy diễn của riêng tôi.
Nhưng thật vậy, bệnh của một cá nhân là vấn đề quan trọng duy nhất đối với người đó, và nếu có chăng là với gia đình. Suy cho tận cùng, bởi mỗi người là một hải đảo cô đơn nên bệnh tật buồn đau của một người mãi mãi là chuyện của riêng họ. Và do đó, việc chữa bệnh chính là việc của mình, không phải của bác sĩ. Họ chỉ là phương tiện hỗ trợ mà thôi. Cũng giống như khi tu tập, tự lực và tha lực cùng nhau thì mới có được thành tựu. Ngồi niệm Phật là tự lực, nhưng ngồi không thì tâm cứ ngọ nguậy không yên, thế là phải cầm thêm chuỗi hạt, đó là tha lực giúp tâm nương, sẽ dễ dàng hơn cho những ai mới bắt đầu. Nhưng nếu chỉ có chuỗi hạt không mà không có sự kiên trì của bản thân thì không thể thực hành tu tập. Chữa bệnh cũng vậy, bác sĩ là tha lực, còn chính mình là tự lực. Tự lực và tha lực cùng đồng hành thì cơ hội và xác suất thuyên giảm bệnh sẽ cao hơn.
Để gặp được bác sĩ chuyên khoa, tôi cũng phải chờ đợi hơn ba tuần. Trong suốt thời gian đó, tôi không dùng bất kỳ một loại thuốc nào ngoại trừ nghiêm ngặt tuân thủ chế độ ăn uống mà tôi tự tìm hiểu qua các trang chuyên về y khoa. Đến ngày gặp bác sĩ, ông ta hỏi tôi “Hôm nay cô cảm thấy thế nào?”. Tôi nói hiện tại tôi khỏe, ông ta tỏ chút ngạc nhiên “Khỏe sao còn đi khám bệnh?”. Tôi nói 3 tuần trước khi gặp ông thì tôi bệnh, nhưng trong ba tuần chờ ông, tôi đã tự tìm hiểu và tự điều trị cho mình, bởi tôi không thể ngồi ôm bệnh chờ ông. Tôi bắt đầu chia sẻ với ông ấy về những gì tôi đọc được, cũng như đã thực hiện để tạm trì hoãn cơn bệnh trong lúc đến gặp ông. Tôi kết luận, tóm lại là tôi nghĩ căn bệnh vẫn còn đó, vẫn cần thuốc đúng chứ không phải là thuốc mà bác sĩ gia đình đã kê toa. Còn việc của tôi thì phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và luyện tập, vì tôi thấy nó có hiệu quả. Vị bác sĩ gật gù nói: “Cô có tố chất làm một thầy thuốc đó”. Tôi hỏi: “Ông đang khen ngợi hay chế giễu tôi?”. Bác sĩ cười: “Không, tôi nói thật lòng. Hiếm có bệnh nhân nào hiểu và chủ động để chữa bệnh cho chính mình như cô. Thật sự phải có hiểu biết và tỉnh thức thì mới làm được điều này. Lẽ ra hồi trẻ cô nên đi làm bác sĩ”. Tôi cười: “Tôi coi đây là một lời khen. Nhưng tôi không mong một bác sĩ khen ngợi mình. Đúng hơn là tôi mong là mình không phải gặp bác sĩ”. Ông ta nheo mắt: “Nhưng mấy người trên đời này không gặp bác sĩ?”.
Sau buổi khám hôm đó, ông ấy lên cho tôi một kế hoạch điều trị chi tiết, mà trong đó, tính kỷ luật cá nhân chiếm tỷ lệ cao nhất. Tôi ra về, trong lòng không quá tự tin cũng không quá bi quan. Tôi thấy bình thản. Bởi tôi biết mình hiểu đúng về cơ thể của mình, cố gắng để sống chung hài hòa với nó, và khi đã làm hết sức, thì việc còn lại là câu chuyện tự vận hành của cái xác phàm này. Bởi có ai hiểu hết nó được đâu. Hồi nhỏ, muốn nó đau bệnh để được mẹ chăm sóc, cho ăn đồ ngon, cho uống sữa nhiều, thì nó lại nhanh khỏe lắm. Về già, muốn nó khỏe chỉ để được sống an ổn nó lại đỏng đảnh lúc tắt lúc mở, mà tắt nhiều hơn mở mới mệt. Không ai điều khiển được cơ thể của mình, ngoại trừ việc cố gắng sống một cuộc sống cân bằng nhất có thể với hoàn cảnh hiện tại.
Theo quan niệm của y khoa phương Đông cổ xưa, bệnh là do cơ thể bị mất cân bằng một thời gian dài mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Và quá trình chữa bệnh thì niềm tin chiếm vị trí gần như quan trọng nhất chứ không phải là thuốc men. Mà để có niềm tin thì trước hết phải có tỉnh thức. Sự tỉnh thức khi nhìn vào cuộc sống, nhìn vào tính vô thường của mọi vật mà cái xác phàm này là một ví dụ điển hình. Sự tỉnh thức giúp cá nhân có được tâm trí sáng suốt để nhìn sâu vào cơ thể đang bệnh, hiểu nó đang gặp vấn đề gì, biết yêu thương chăm sóc nó đúng cách hơn, đưa nó vào kỷ luật để luôn giữ chánh niệm trong điều trị, nhìn sâu nhưng không sa đà ôm ấp, lạc quan nhưng không quá chủ quan phớt lờ. Tất cả những điều này tạo nên niềm tin vào bản thân, tin vào người đang chữa bệnh cho mình, tin vào ngày mai, và ngay cả tin vào một cái chết thanh thản nếu có.
Điều quan trọng hơn hết, sự tỉnh thức giúp ta biết quán sát cái xác phàm này mỗi ngày ngay cả khi nó còn đang khỏe mạnh, biết nó thiếu cái này, dư cái kia, biết nó hợp cái này mà không hợp cái kia; biết nó cần vận động thay vì cứ ngồi lì trước máy tính; biết nó muốn vui vẻ chứ không thích những cơn căng thẳng buồn đau kéo dài. Trên hết, biết khi nào nó kêu lên rằng tôi đang mất cân bằng, cần phải đưa tôi về lại quỹ đạo kịp thời. Tỉnh thức để quán sát sâu bản thân mình, đó chính là vị lương y tài ba.
Lần đi tái khám gần nhất, bác sĩ chúc mừng tôi phục hồi và dặn dò tôi phải tiếp tục giữ kỷ luật trong đời sống, trong chế độ ăn uống và luyện tập. Ông ấy nói: “Điều tôi nhìn thấy ở cô lớn nhất là khả năng tự trị liệu cho chính mình. Hãy giữ mãi điều đó trong suốt cuộc đời, bởi nó sẽ giúp cô chung sống an vui với căn bệnh của cô. Nó sẽ không hết vĩnh viễn đâu, nhưng nó sẽ ổn nếu cô biết cách làm việc với nó”.
Tôi chưa biết mọi việc tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng tôi biết chắc rằng, bất kỳ ai, phục hồi sau một đợt bệnh, cũng sẽ có cảm giác nắng sáng nay vàng ươm như mật, tiếng chim hót trong veo ngoài vườn, gió thì nhẹ nhàng dễ chịu, và lòng mình thì nhìn đâu cũng thấy cuộc sống này thật đáng giá.
[ad_2]