[ad_1]
GN – Trong cuộc sống có những cái ta nhìn thấy và nói có thì đã đành, nhưng cũng có những cái ta không hề nhìn thấy mà nó vẫn hiện hữu. Tôi muốn nói đến vấn đề tâm linh, dù chưa chứng minh được nhưng nó vẫn tồn tại, và ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của con người. Về mặt nào đó, những điều ấy giúp ta biết sống hơn, sống có nghĩa có tình, biết yêu quý hơn sinh mạng của muôn loài.
Ngày ấy, gia đình tôi từ giã đất Sài Gòn lên vùng kinh tế mới lập nghiệp. Ngoài việc trồng tỉa lúa rẫy, khoai mì, bắp… thì cha tôi và bác Năm còn làm thêm cái nghề bất đắc dĩ là săn thú rừng. Chiều là cha tôi, bác Năm, và bác Điệp chuẩn bị mọi thứ, khăn gói lên đường đến sáng hôm sau mới về. Mỗi chuyến đi săn vậy đem về nào chồn, thỏ, heo rừng, cheo, nhím… đem ra chợ bán cũng kiếm được gạo vài ngày.
Thật lòng mà nói, làm cái nghề này trong rừng đêm gặp muôn vàn nguy hiểm. Có lần đang theo dấu một con heo rừng thì bác Năm bị rắn cắn. Biết là chạm phải rắn độc, bác Năm vội bắn tín hiệu lên trời, cha tôi và bác Điệp liền cắt rừng từ những hướng khác tìm đến hỗ trợ. Khi đến nơi thì người bác Năm đã lạnh và cứng, chỉ còn trên ngực là âm ấm. Cha tôi chặt hột nọc để lấy nọc rắn ra nhưng vì vội quá nên hột nọc văng đi mất. Bác Năm coi như hết hy vọng. Trong cái giây phút thập tử nhất sinh, bác Điệp cũng vừa vác bồng đựng cheo tới.
Bác Năm tôi thều thào cầu nguyện trời đất và thề: “Nếu nuốt chín cái mật cheo này mà cầm cự được ra khỏi rừng thì tôi thề từ nay sẽ không săn bắn, ăn cheo nữa”. Bác Điệp liền lấy mật cheo cho bác Năm uống. Xong, bác Điệp cõng bác Năm vượt rừng. Lúc bấy giờ khoảng một giờ khuya, đến năm giờ sáng mà bác Năm vẫn chưa tắt thở. Vừa ra đến bờ suối thì gặp ngay một ông già người Chàm đang sa cá. Ông vạch mắt bác Năm xem và nói bị rắn chàm quạp lửa cắn, ông kêu cha tôi đến chòi gần đó nói vợ ông đưa thuốc mài với nước mà uống. Thế là bác Năm được cứu. Cái ơn này không biết sao mà trả được. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ấy vậy mà đã hơn 20 năm, và bác Điệp giờ cũng ra người thiên cổ.
Gia đình tôi cũng bỏ nghề rừng, tìm sinh kế khác. Bác Năm về lại Sài Gòn. Vô tình bác Năm gặp lại bác Hai Quai, một người bạn xưa cũng một thời làm nghề săn cọp. Hai người bạn xưa bỗng nhớ rừng và rủ nhau lên núi Bà Rịa săn thỏ. Thế là hai người cưỡi xe đi cả tuần.
Đêm ấy hai người chưa kiếm được con gì, bụng đói. Bác Năm rọi đèn thấy một con cheo nhỏ, thế là hai ông già có mồi nướng. Thật kỳ lạ, bác Năm tôi vừa nuốt miếng thịt cheo vào bụng thì một cơn đau dữ dội kéo đến. Chỗ ống chân trái bị rắn cắn năm xưa liền chạy nọc dữ dội, giật ngã lăn ra đất, và bị hành không khác gì 20 năm về trước. Vừa lúc đó, có một ông già người dân tộc vác chà-gạc rọi đèn đi tới, thấy bác Năm đang thoi thóp dưới đất liền đến xem, ông ta vạch mắt bác Năm ra xem và nói bị rắn chàm quạp lửa cắn nhưng quả thực chẳng có con rắn nào cắn cả. Xong ông ta đọc lẩm nhẩm gì đó rồi nhìn thẳng vào bác Năm phán: “Ông mắc phải lời thề!”. Lúc ấy bác Năm mới nhớ ra… Bác Hai Quai phải chạy đi mua nhang đèn lễ vật vào rừng cúng tạ lỗi. Hai ngày sau bác Năm tôi mới khỏi bệnh mà trở về nhà…
Có thế mới biết thế nào rừng núi linh thiêng. Lời thề tuy chỉ đơn giản là từ miệng nói ra, nhưng thật tình nó vẫn có sự linh ứng riêng của nó. Kể câu chuyện này hẳn có người sẽ không tin, nhưng nó vẫn là một câu chuyện có thật của gia đình tôi. Bác Năm tôi nay cũng đã già yếu, và rừng cũng không còn, nhưng chuyện xưa vẫn ám ảnh bác. Bác thường khuyên con cháu đừng bao giờ thề bậy và không bao giờ bội ước lời thề của mình.
[ad_2]