[ad_1]
GN – Theo lời dạy của Thế Tôn, trong “bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận”, sau khi tu tập biết pháp, biết nghĩa và biết thời, vị Tỳ-kheo tiếp tục thực hành các pháp tiếp theo là biết tiết độ, biết mình và biết hội chúng.
“Một thời Đức Thế Tôn du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là: 1-Biết pháp, 2-Biết nghĩa, 3-Biết thời, 4-Biết tiết độ, 5-Biết mình, 6-Biết chúng hội và 7-Biết sự hơn kém của người.
…
4-Thế nào là Tỳ-kheo biết tiết độ? Đó là Tỳ-kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo không biết tiết độ tức là Tỳ-kheo không biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Tỳ-kheo như vậy là không biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ, đó là biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ.
5-Thế nào là Tỳ-kheo biết mình? Tỳ-kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là biết mình. Nếu có Tỳ-kheo không biết mình tức là không tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là không biết mình. Nếu có Tỳ-kheo khéo tự biết rõ mình, đó là biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, A-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là khéo biết rõ mình.
6-Thế nào là Tỳ-kheo biết chúng hội? Tỳ-kheo biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo biết chúng hội”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Thiện pháp, số 1 [trích])
Biết tiết độ là sự tiết chế, điều độ trong ăn uống, ngủ nghỉ, nói nín, đi đứng, nằm ngồi. Người tu cũng là con người nên các nhu cầu thiết yếu cho sự sống cần phải có. Thọ dụng nhưng luôn tỉnh giác để chừng mực, vừa đủ, không mong cầu. Ăn uống đủ sống, ngủ nghỉ đủ khỏe, nói nín đủ để truyền thông, mọi việc không thiếu mà cũng không dư. Nhờ có tiết độ nên thuận duyên hơn trên con đường tu tập chánh trí.
Quan trọng là tự biết mình. Vị Tỳ-kheo tự biết rõ mình có chừng nào “tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc”. A-hàm là toàn bộ giáo pháp, là giáo pháp giải thoát tối thượng. Sở đắc là những tầng thiền và các Thánh quả. Nếu chưa có hoặc có ít “tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc” thì cần tu tập để có. Nếu đã có thì tiếp tục làm cho tăng thượng để đạt đến viên mãn.
Biết hội chúng là đi đến bất cứ hội chúng nào thì vị Tỳ-kheo đều biết rõ họ để tùy duyên nói năng và hành xử sao cho phù hợp. Như vậy, dù ở bất cứ đâu chúng ta cũng được tôn trọng, được hộ trì để an ổn tu tập.
Đây là ba pháp (trong bảy pháp) giúp người tu được an lạc, thẳng đến thành tựu giải thoát.
[ad_2]